Luật Doanh nghiệp và những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính
Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực ngày 01/7/2015 tới được nhiều nhà làm luật cho rằng Luật Doanh nghiệp đã có những bước tiến trong vấn đề quản lý doanh nghiệp, thay vì tiền kiểm – giám sát chặt chẽ trong quá đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chuyển sang hậu kiểm – kiểm tra sau khi thành lập, tăng cường giám sát doanh nghiệp trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thay đổi hồ sơ khi doanh nghiệp đăng ký, chính thức coi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như là giấy khai sinh doanh nghiệp như bản chất của nó. Nếu như trước đây doanh nghiệp khi đăng ký thành lập mới, doanh nghiệp phải chứng minh được những vấn đề về tài chính, năng lực (đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì nay doanh nghiệp không cần phải làm vậy mà phải tự chịu trách nhiệm đảm bảo các quy định đó trong suốt quá trình kinh doanh. Điều này không những nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp mà nó còn là bước tiến trong quá trình cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thêm sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
Nhưng nhiều người lại đặt ra câu hỏi, liệu nới lỏng như vậy có đảm bảo được lợi ích chính đáng của các bên hay không và cả vấn đề quản lý Nhà nước. Để giải quyết vấn đề này, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra những giải pháp vừa cắt giảm thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo vấn đề quản lý. Đó chính là những biện pháp mang tính “hậu kiểm” như trao quyền khởi kiện cho cổ đông nắm giữ tối thiểu 1% tổng số cổ phần trong thời hạn 6 tháng trở lên hay như việc luật hóa Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của quốc tế, để triển khai tốt quá “hậu kiểm”, giảm gánh nặng quản lý cho Nhà nước thì phải tạo cơ hội cho các tầng lớp xã hội cùng giám sát, quản lý. Đó chính là kiểm tra, giám sát nội bộ doanh nghiệp; kiểm tra giám sát của chủ nợ; kiểm tra của Hiệp hội người tiêu dùng; kiểm tra của đối thủ cạnh tranh; kiểm tra của các hội nghề nghiệp; kiểm tra giám sát của xã hội và công luận; cuối cùng mới là kiểm tra giám sát của Nhà nước.
Luật doanh nghiệp 2014 và những điểm mới
Luật Doanh nghiệp 2005 tuy rằng đã có những quy định mang tính hậu kiểm này nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả do gặp nhiều vấn đề hạn chế. Ví dụ trước đây Luật đã treo quyền khởi kiện Ban lãnh đạo công ty cổ phần khi có sai phạm cho cổ đông nắm giữ tối thiểu 1% tổng số cổ phần trong thời gian 6 tháng trở lên, nhưng họ không có quyền khởi kiện trực tiếp ngay từ đầu mà phải thông qua Ban Kiểm soát. Nhưng Ban Kiểm soát là đơn vị chịu nhiều tác động của các cổ đông lớn nên khó có thể thực hiện triệt để nghĩa vụ này. Chính vì vậy tại Luật Doanh nghiệp 2014, Luật đã trao quyền trực tiếp khởi kiện cho những cổ đông thiểu số đó nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của họ, tăng cường vấn đề giám sát nội bộ.
Vấn đề thanh tra nhân dân, giám sát của xã hội không phải làm lần đầu tiên được đưa ra nhưng thực tế cho thấy vấn đề này bị hạn chế rất nhiều do không có nguồn thông tin đáng tin cậy để làm cơ sở trong quá trình giám sát. Và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có bước tiến khi luật hóa Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm minh bạch, công khai những thông tin của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho vấn đề thanh tra, giám sát của các đối tượng như các chủ nợ, các đối thủ cạnh tranh cũng như xã hội, công luận. Bên cạnh đó tại thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV đã quy định, đưa ra một cơ chế kiểm tra, giám sát doanh nghiệp giữa các bộ, ban ngành. Đặc biệt là vấn đề xây dựng một hệ thống dữ liệu chung về các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đảm bảo có thông tin kịp thời, hỗ trợ vấn đề quản lý, giám sát các doanh nghiệp.
Nhưng thực tế lại cho thấy việc công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, mới chỉ dừng ở các thông tin cơ bản nhất còn vấn đề cụ thể như ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh thì cần phải mất phí (200.000 VNĐ/lần/doanh nghiệp). Điều này sẽ phần nào đó cản trở quá trình tham gia giám sát của các chủ thể trong xã hội, dẫn tới sự thiếu hiệu quả.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định hứa hẹn sẽ tạo ra sự thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, đánh dấu sự biến chuyển mạnh mẽ trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Nhưng nếu không triển khai một cách quyết liệt, nghiêm túc thì chắc chắn sẽ tạo ra những hệ quả lớn như nhiều nhà nghiên cứu đưa ra khi “tiền kiểm buông” và “hậu kiểm cũng buông.”