Lập và thẩm định dự án đầu tư – Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển kéo theo nhu cầu đầu tư cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thị trường có không ít các rủi ro và biến động đòi hỏi các nhà đầu tư phải chuẩn bị kĩ lưỡng cho các dự án của mình. Hầu hết các dự án đều phải trải qua hai bước chuẩn bị là lập và thẩm định dự án đầu tư trước khi tiến hành triển khai. Có thể nói, hai bước này là yếu tố đầu tiên quyết định cho sự thành công của một dự án.
Lập và thẩm định dự án đầu tư
Việc xem xét có nên đầu tư vào dự án hay không là một trong những quyết định quan trọng của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần lựa chọn và tìm ra dự án đầu tư tối ưu nhất trên cơ sở việc lập ra dự án đầu tư. Để lập ra một dự án, nhà đầu tư phải tiến hành nghiên cứu các vấn đề đầu tư, đánh giá thị trường đầu tư, xác định thời điểm và quy mô đầu tư, lựa chọn hình thức, tiến hành khảo sát và lựa chọn địa bàn đầu tư.
Quá trình lập dự án đầu tư được thể hiện ở hai loại văn kiện là báo cáo khả thi và báo cáo tiền khả thi.
1.1 Báo cáo tiền khả thi
Để xây dựng báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư phải thu thập thông tin về định hướng đầu tư, những điều kiện thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, quy mô và hình thức dự án.
Nội dung Báo cáo tiền khả thi bao gồm:
- Sự cần thiết phải đầu tư, các điều kiện thuận lợi và khó khăn; chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia nếu có;
- Dự kiến quy mô đầu tư
- Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, thông số kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, sinh thái, phòng, chống cháy nổ, an ninh, quốc phòng;
- Hình thức đầu tư, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ và hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư nếu có.
Báo cáo tiền khả thi mang thông tin tổng quát về dự án đầu tư, là tiền đề giúp nhà đầu tư xây dựng báo cáo khả thi chi tiết hơn.
1.2 Báo cáo khả thi
Báo cáo khả thi gồm các nội dung về:
- Vốn dự án;
- Sử dụng lao động;
- Cách quản lí dự án;
- Tiến độ thực hiện dự án…
Thẩm định dự án đầu tư
Quá trình lập dự án đầu tư có kĩ lưỡng đến đâu thì cũng khó có thể thể tránh khỏi sai sót. Vì thế mà cần phải có bước thẩm định lại dự án để khẳng định mức độ hợp lí và hiệu quả của dự án.
2.1 Hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư
Hồ sơ trình thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm:
- Tờ trình thẩm định dự án. Tờ trình thẩm định có nội dung sau:
- Về doanh nghiệp: Tính hợp lý, hợp pháp, tình hình sản xuất kinh doanh và các vấn đề khác.
- Về dự án: Cần tóm tắt được dự án.
- Kết quả thẩm định: Thẩm định được một số vấn đề về khách hàng như năng lực pháp lý, tính cách và uy tín, năng lực tài chính, phương án vay vốn và khả năng trả nợ, đánh giá các đảm bảo tiền vay của khách hàng. Về dự án cần thẩm định được tính khả thi của dự án.
- Các văn bản pháp lý có liên quan.
2.2 Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư
Thẩm quyền thẩm định của nhà đầu tư
- Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án trước khi phê duyệt. Đầu mối thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn trực thuộc cấp quyết định đầu tư.
- Đối với các dự án đã được phân cấp hoặc uỷ quyền quyết định đầu tư thì người được phân cấp hoặc uỷ quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án.
- Nhà đầu tư có thể tiến hành thẩm định dự án đầu tư bằng cách so sánh dự án đầu tư của mình với những dự án đã và đang thực hiện để đánh giá tính hợp lý và chính xác của dự án từ đó đưa ra kết luận về dự án và quyết định đầu tư.
Thẩm quyền của Hội đồng thẩm định
Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư để tổ chức thẩm định dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và dự án khác nếu thấy cần thiết. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước về các dự án đầu tư.
Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
- Cơ quan cấp Bộ tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Đầu mối tổ chức thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổ chức thẩm định dự án.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Đầu mối thẩm định dự án là đơn vị có chức năng quản lý kế hoạch ngân sách trực thuộc người quyết định đầu tư.
Nội dung thẩm định Dự án đầu tư
- Xem xét các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án
Các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào của dự án; quy mô, công suất, công nghệ, thời gian, tiến độ thực hiện dự án; phân tích tài chính, tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
- Xem xét các yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án
Tính khả thi của dự án bao gồm: sự phù hợp với quy hoạch; nhu cầu sử dụng đất, tài nguyên, khả năng huy động vốn đáp ứng tiến độ của dự án; kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư; khả năng hoàn trả vốn vay; giải pháp phòng cháy, chữa cháy; các yếu tố ảnh hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh, môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc lập và thẩm định dự án đầu tư có vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư vì dự án đầu tư có tác động đến suốt quá trình thực hiện dự án. Việc lập dự án tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thực hiện hoạt động đầu tư có hiệu quả. Thông qua quá trình lập dự án, các nhà đầu tư sẽ quyết định góp vốn đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư và dễ dàng theo dõi thực hiện. Đồng thời để các cơ quan quản lý nhà nước xem xét sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá sự ảnh hưởng của dự án tới môi trường.
Qua bài viết này chúng tôi đã chia sẻ những thông tin hữu ích về quá trình lập và thẩm định dự án đầu tư. Quá trình lập và thẩm định dự án đầu tư là quá trình phức tạp cần có sự trợ giúp của các chuyên gia để nhà đầu tư có được những quyết định đúng đắn. Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và sở hữu trí tuệ Oceanlaw sẽ giúp các nhà đầu tư lập và thẩm định dự án đầu tư đạt hiệu quả cao nhất với dịch vụ lập dự án đầu tư.
Oceanlaw rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!