Tư vấn thủ tục đăng ký lại doanh nghiệp FDI – Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2014 mới cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, thông tư nghị định bổ sung đi kèm luật đang làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc đăng kí lại doanh nghiệp của mình. Do vậy, Oceanlaw xin phép được cung cấp dịch vụ tư vấn thủ tục đăng kí lại doanh nghiệp FDI hoàn toàn miễn phí hi vọng có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi phát triển kinh doanh trong môi trường pháp lý của Việt Nam.
FDI (Foreign Direct Investment) – đầu tư trực tiếp nước ngoài – xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. (Định nghĩa của WTO).
Doanh nghiệp FDI chính là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư 2005 bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại. Tuy nhiên khái niệm này đến Luật Đầu tư 2014 được mở rộng hơn: doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông.
Những doanh nghiệp FDI phải đăng kí doanh nghiệp lại?
Tất cả doanh nghiệp FDI vào Việt Nam từ ngày 1-7-2015(ngày Luật Đầu tư 2014 bắt đầu có hiệu lực) thực hiện đăng ký cấp chứng nhận đầu tư trước và sau đó đăng ký thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam trước ngày 1-7 sẽ không phải đăng ký kinh doanh lại, trừ khi họ có nhu cầu.
Tư vấn thủ tục đăng kí lại doanh nghiệp FDI
Các hình thức đăng kí lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (quy định tại Điều 7 Nghị định 194/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 có hiệu lực từ ngày 15 tháng 1 năm 2014 về việc đăng kí lại, chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thay đổi giấy phép đầu tư của dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh) bao gồm:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có một nhà đầu tư thì đăng ký lại thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có từ hai nhà đầu tư trở lên thì đăng ký lại thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Công ty cổ phần đăng ký lại thành công ty cổ phần.
Hồ sơ đăng kí lại doanh nghiệp FDI (quy định tại Điều 8 Nghị định 194/2013/NĐ-CP) bao gồm:
1. Hồ sơ đăng ký lại gồm:
- Bản đề nghị đăng ký lại do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký, kèm theo danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần của doanh nghiệp sau khi đăng ký lại;
- Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư, các Giấy phép đầu tư điều chỉnh và Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư (nếu có);
- Dự thảo Điều lệ doanh nghiệp sửa đổi phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Biên bản họp Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp liên doanh; Biên bản họp Hội đồng quản trị hoặc văn bản thống nhất của các nhà đầu tư nước ngoài (đối với trường hợp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài) hoặc của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc đồng ý đăng ký lại doanh nghiệp và thông qua Điều lệ doanh nghiệp (sửa đổi);
- Quyết định của chủ hoặc các chủ doanh nghiệp hoặc Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc quyết định của Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài về việc đăng ký lại doanh nghiệp và thông qua Điều lệ doanh nghiệp (sửa đổi);
- Giấy tờ chứng thực của các cá nhân và pháp nhân là thành viên doanh nghiệp sau khi đăng ký lại và của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sau khi đăng ký lại;
- Báo cáo tài chính 2 năm liền kề tại thời điểm đăng ký lại;
- Các tài liệu theo quy định của pháp luật liên quan đến nội dung điều chỉnh.
2. Đối với doanh nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định này, ngoài các hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp nộp thêm các hồ sơ sau:
- Bản cam kết tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, giao dịch thực hiện từ thời điểm hết hạn hoạt động đến thời điểm đăng ký lại và bản cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước;
- Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của năm trước năm hết hạn Giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại (Biểu số 04-CS/SXKD) theo quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hệ thống biểu mẫu báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Trường hợp khi đăng ký lại, doanh nghiệp có yêu cầu điều chỉnh nội dung đăng ký kinh doanh và điều chỉnh nội dung dự án đầu tư thì ngoài hồ sơ quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, cần bổ sung các tài liệu tương ứng với nội dung điều chỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp.
- Hồ sơ đăng ký lại được lập thành 03 bộ, trong đó có ít nhất 01 bộ gốc. Trường hợp có nội dung thẩm tra cần xin ý kiến các Bộ, ngành hoặc phải trình Thủ tướng Chính phủ thì hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 01 bộ hồ sơ gốc.
Trình tự, thủ tục đăng kí lại doanh nghiệp FDI (quy định tại Điều 9 Nghị định 194/2013/NĐ-CP) bao gồm:
- Doanh nghiệp đề nghị đăng ký lại nộp hồ sơ theo quy định của Nghị định này tại Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Trường hợp không phải hỏi ý kiến các Bộ, ngành thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Trường hợp cần lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan thì thời gian xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Cơ quan được hỏi có ý kiến bằng văn bản trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
- Trường hợp không chấp thuận hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư gửi thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp.
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm ghi lại vào Giấy chứng nhận đầu tư các nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ, ưu đãi đầu tư và các cam kết hoặc điều kiện (nếu có) của Giấy phép đầu tư và các Giấy phép đầu tư điều chỉnh hoặc Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư (nếu có). - Doanh nghiệp đăng ký lại phải nộp lại bản gốc Giấy phép đầu tư, các Giấy phép đầu tư điều chỉnh và Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư đã cấp (nếu có) cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi nhận Giấy chứng nhận đầu tư.
Xem: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư
Thủ tục đăng kí lại giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp FDI:( quy định tại Điều 40 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư)
Trình tự thực hiện
Bước 1:
- Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 12 năm 2015và nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủthì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Ghi chú : Trong trường hợp Nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thì người làm thủ tục nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc các giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác và cá giấy tờ sau:
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Nhà đầu tư và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả; hoặc
- Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Xem xét, giải quyết hồ sơ
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Bước 4: Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp FDI khi đăng kí lại doanh nghiệp (quy định tại Điều 10 Nghị định 194/2013/NĐ-CP) bao gồm:
1. Doanh nghiệp đăng ký lại kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trước khi đăng ký lại.
2. Doanh nghiệp đăng ký lại có các quyền sau đây:
- Được hoạt động theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư;
- Được tiếp tục ghi nhận và hưởng ưu đãi đầu tư trong thời hạn hoạt động theo điều kiện quy định tại Giấy phép đầu tư;
- Được giữ lại tên doanh nghiệp, con dấu, tài khoản, mã số thuế đã đăng ký, trừ trường hợp những thông tin liên quan đã bị thay đổi do đăng ký lại; hoặc buộc phải thay đổi để phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và các quy định khác có liên quan; hoặc do nhà đầu tư có nhu cầu thay đổi để phù hợp với pháp luật;
- Có các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp đăng ký lại có các nghĩa vụ sau đây:
- Tiếp tục thực hiện các cam kết hoặc điều kiện (nếu có) quy định tại Giấy phép đầu tư;
- Phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký lại;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật có liên quan.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến dịch vụ tư vấn thủ tục đăng kí lại doanh nghiệp FDI, hãy liên lệ với chúng tôi, Oceanlaw sẽ tư vấn hoàn toàn miễn phí cho quý khách.
Chúc quý khách thành công!